LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN NGUYỄN TRỰC VÀ QUÊ HƯƠNG BỐI KHÊ – TAM HƯNG – THANH OAI – HÀ NỘI

Thứ bảy - 30/07/2022 17:22
Nguyễn Trực (1417 - 1474), cụ Nguyên quán xã Bối Khê, huyện Thanh Oai. Nay là thôn Bối Khê, xã Tam Hưng huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 25 tuổi, đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) đời Lê Thái Tông. Cụ là một trong 4 người được tặng danh hiệu Lưỡng quốc Trạng nguyên của nước ta trong lịch sử phong kiến. Trên quê hương ông, con cháu dòng họ Nguyễn ở Bối Khê không ngừng phát huy truyền thống hiếu học để xây dựng quê hương.
Cổng đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực.
Cổng đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực.
       Nguyễn Trực hiệu Hu Liêu, tự Công Dĩnh, nguyên quán tại làng Bối Khê, nay là thôn Song Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Cha ông là Nguyễn Thời Trung, Giáo thụ Quốc tử giám triều vua Lê Thái Tông, mẹ là Đỗ Thị Chừng. Lớn lên trong cảnh nghèo, Nguyễn Trực vừa chăn trâu cắt cỏ vừa học, mới 12 tuổi đã giỏi thơ văn. Năm Thiệu Bình thứ nhất đời vua Lê Thái Tông (năm 1434), mới 17 tuổi Nguyễn Trực đã đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương. Năm Đại Bảo thứ 3 (năm 1442), ông thi Đình và đỗ Tiến sĩ Đệ nhất giáp (Trạng nguyên) khi mới 25 tuổi. Nguyễn Trực là Trạng nguyên đầu tiên được vua Lê Thái Tông ban mũ áo, vinh quy về làng.
Năm Giáp Tuất (1454), mẹ Nguyễn Trực qua đời. Ông cáo quan, về quê chịu tang mẹ. Hằng ngày, ông đọc sách, dạy học, bốc thuốc và được biết đến như một lương y. Ngoài ra ông còn mở trường dạy học, các học sĩ bốn phương đến theo học rất đông, có tới hàng nghìn. Nhiều bậc cự nho, danh sĩ khoa bảng đều từng là học trò của Trạng nguyên Nguyễn Trực trong thời gian ông ở quê chịu tang mẹ.
       Sách y học ông để lại có "Bảo anh lương phương" biên soạn năm Ất Hợi (1455) đời vua Lê Nhân Tông, gồm 4 quyển "Xuân", "Hạ", "Thu", "Đông", bàn về phương pháp chữa bệnh, bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, ông còn để lại các tác phẩm như "Ngu nhàn tập" (viết về giáo dục khoa cử), "Kinh nghĩa biện luận tập" (gồm các bài về một số vấn đề trong kinh truyện cổ), "Hu Liêu tập" (gồm những bài văn thường).
        Là một vị quan liêm khiết, trạng nguyên Nguyễn Trực được vua Lê Nhân Tông yêu quý. Trong thời gian Nguyễn Trực về chịu tang mẹ, vua đã sai vẽ tranh truyền thần ông và để cạnh ngai vàng, tỏ ý luôn nhớ đến Trạng nguyên. Đây là trường hợp hiếm hoi trong lịch sử phong kiến về một Trạng nguyên được nhà vua yêu quý.
 
http://nguoithanhoai.vn/upload/Untitled3(7).jpg
Từ đường Lưỡng quốc Trạng Nguyên và nhà thờ họ - Nguồn: Nguoithanhoai.vn

        Sau khi mãn tang mẹ, năm 1457, Nguyễn Trực được cử đi sứ nhà Minh cùng Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường. Gặp đúng lúc nhà Minh tổ chức kỳ thi Đình, muốn cho Bắc triều biết tài học của nước Nam nên hai ông xin dự thi và được vua Minh đồng ý. Kết quả khiến triều đình nhà Minh sửng sốt khi Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên, Trịnh Thiết Trường đỗ Bảng nhãn. Vua nhà Minh phải thốt lên rằng: “Đất nào cũng có nhân tài” và phong cho Nguyễn Trực danh hiệu Lưỡng quốc Trạng nguyên.
Trở về nước, cả Nguyễn Trực, Trịnh Thiết Trường đều được phong chức Thượng thư và được vua ban cho 8 chữ vàng: “Thành công danh Nam Bắc triều biên ngã”, nghĩa là: “Công danh cả hai nước đều hoàn thành”. Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực mất năm 1474, thọ 57 tuổi.
Sau khi Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực qua đời và được an táng tại thôn Bạch Thạch (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai ngày nay) thì người dân ở quê cha ông (thôn Song Khê, xã Tam Hưng) cũng lập đền thờ.
         Đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực được xây dựng theo kiểu 2 mái chồng diêm, hai bờ nóc đắp nổi rồng cưỡi mây, ở giữa có viên minh châu, mái lợp ngói mũi hài. Cổng đền có dòng chữ: “Lưỡng quốc Trạng nguyên từ”, phía trước sân còn tấm bia đá “Bối Khê Nguyễn tộc bia ký” thời Nguyễn. Đền gồm 3 gian, hai gian bên có hai tấm bia đá cổ ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trực. Gian giữa là ngai thờ và tấm bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (năm 2011). Trong đền thờ có các bức đại tự: “Quốc Ân Gia Khánh”, “Chung Đỉnh Dụ Gia”, “Nguyễn Thị từ đường”. Hai bên đầu hồi có bức cốn chạm lộng cảnh rồng với thiên nhiên độc đáo.
 
http://nguoithanhoai.vn/upload/Untitled(33).jpg
Mặt tiền từ đường cụ Nguyễn Trực - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
        Ông Nguyễn Xuân Ổn, người trông coi đền thờ Nguyễn Trực cho biết: “Ngoài quỹ khuyến học của thôn Song Khê, các dòng họ trong thôn đều có quỹ riêng. Mỗi khi trao quà động viên con em học giỏi, chúng tôi đều tự hào kể về truyền thống hiếu học của dòng họ mà tiêu biểu là cụ Nguyễn Trực. Ngày 22 tháng 12 (Âm lịch) hằng năm là ngày giỗ của cụ, con cháu các nơi về dâng lễ rất đông. Di tích đền thờ vừa là chốn đi về của con cháu trong dòng họ, vừa là nơi thăm viếng, tìm hiểu lịch sử và thân thế của cụ đối với nhân dân cả nước”.
        Hiện nay, sách "Bối Khê Trạng nguyên gia phả" do Nguyễn Quýnh - Tiến sĩ triều Lê biên tập, có ghi chép đầy đủ về hành trạng và một số tác phẩm thơ văn của Nguyễn Trực còn được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
        Trên quê hương Thanh Oai, có một trường học mang tên Lưỡng quốc Trạng nguyên là Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trực (thị trấn Kim Bài) như sự ghi nhớ của hậu thế với bậc tiền nhân - một tấm gương sáng cho lớp lớp con cháu noi theo.
Trong bài viết có sử dụng các tài liệu tham khảo:
Ảnh: Sưu tầm trên Internet
Các thông tin: Internet và tham khảo thông tin của ông Nguyễn Xuân Ổn

 

Tác giả: Tiểu học Thị trấn Kim Bài, Cô Nguyễn Thị Thu Chung - Phó Hiệu trưởng nhà trường

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Vun đắp ước mơ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay451
  • Tháng hiện tại19,861
  • Tổng lượt truy cập746,961
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây