BÀI VIẾT VỀ : DI TÍCH ĐÌNH CÁT ĐỘNG THỊ TRẤN KIM BÀI, HUYỆN THANH OAI, HÀ NỘI

Thứ sáu - 29/07/2022 09:53
Thôn Cát Động, Thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây có một ngôi đình thờ nhị vị thành hoàng là những người có công với dân với nước. Đình vẫn được gọi theo tên thôn từ xưa đến nay là đình Cát Động.
       Đình Cát Động hiện nay thuộc thôn Cát Động, Thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.
Thị trấn Kim Bài hiện tại gồm 3 thôn: Cát Động, Thị trấn Kim Bài, Kim Lâm. Thị trấn có địa giới phía Nam giáp xã Đỗ Động, xã Kim Thư, phía Bắc giáp xã Thanh Mai, phía Tây giáp xã Kim An và sông Đáy.
        Trước cách mạng tháng Tám năm 1945 Cát Động là xã Cát Động, thuộc tổng Phương Trung, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, tỉnh Trấn Sơn Nam. Cuối năm 1947 đầu năm 1948 Cát Động và Kim Bài hợp thành xã Kim Động. Năm 1956 kết hợp với thôn của xã Kim Thư bây giờ thành xã Kim An. Tháng 9 năm 1994 hai thôn Cát Động, Kim Bài tách khỏi xã Kim An thành lập Thị trấn Kim Bài theo Nghị định số 52/CP.
       Từ Hà Đông theo quốc lộ 6 đến ngã Ba La, rẽ trái theo đường quốc lộ 21B đi Vân Đình, Tế Tiêu. Qua Bình Đà đến Thị trấn Kim Bài, rẽ ngược lên dốc đê Cát Động. đi chừng 2km ta gặp di tích bên phải đê. Đoạn đường này tính từ Hà Đông đến di tích khoảng 16km.
      Đường đi thuận tiện cho mọi phương tiện giao thông đường bộ.
      Đình Cát Động nhờ nhị vị thành hoàng là Trình Lý đại vương và Đông Hải đại vương Nguyễn Phục. Cả hai vị thành hoàng làng đều là những nhân vật có thật. sống vào thời lê Sơ. Căn cứ vào Đại Việt sử lý toàn thư, Đăng khoa lục, Việt Nam khoa bảng hội yếu… và các tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ trong di tích ta được biết:
        * Vị thành hoàng thứ nhất: Trình Lý đại vương
Ngài tên thật là Trình Lý – là một vị tướng có tài đã giúp Lê Lợi đánh giặc Minh cứu nước.
         Về cuối đời Trần. Hồ Quý Ly đứng lên cướp ngôi, sau đó là nhà Minh kéo quân sang xâm lược nước ta. Lê Lợi là người đứng lên tụ nghĩa, lập hội thề Lũng Nhai, thu hút hiền tài, khởi binh đánh giặc. Trình lý quê Thanh Hóa đã tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và đã tham gia nhiều trận đánh:
         Năm Mậu Tuất (1418) cùng với các tướng lĩnh xông pha trận mạc, chém được hơn 3000 thủ cấp.
Năm Ất Tỵ (1425) tham gia đánh thành Xương Giang.
         Năm Đinh Mùi (1427) tham gia giữ thành Đông Quan, lấy thành Xương Giang. Cùng năm đó còn vâng lệnh đem quân đi yểm trợ tại núi Mã Yên.
Năm Mậu Thân (1428) được thăng chức nhập nội tư mã, tước Hương thượng hầu.
         Năm Đinh Tỵ (1437) ông giữ chức Thanh Hoa lộ đô tổng quản và Bắc Giang lộ đô tổng quản. Cùng năm đó ông nhận chức Nhập nội thiếu úy, Tham tri Tây đạo chú vệ quân sự. Ông đã trải qua nhiều gian nan, gánh vác nhiều trọng trách nên đã được Lê Lợi ban quốc tính cho đổi sang họ Lê.
        Trong thời gian đánh trận, ông đã để lại tiếng thơm ở nhiều nơi cho nên sau khi ông mất nhân dân các địa phương đã tâu với triều đình xin được ban sắc phụng thờ mãi mãi.
Tương truyền ông còn là người có công khai đất lập làng Cát Động nên dân làng đã tôn vinh ông làm thành hoàng làng.
       * Vị đệ nhị phúc thần: Đông Hải đại vương Nguyễn Phục.
Nguyễn Phục người quê xã Đoàn Tùng, sau đổi là Đoàn Lâm, huyện Trường Tân (nay là xã Thanh Tùng, huyện Minh Thanh, tỉnh Hưng Yên). Ông đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Quý Dậu, niên hiệu Thái Hòa 12 (1543) đời Lê Nhân Tông. Ông làm quan đến chức Hàm Lâm, kiêm vương phó, là thầy dạy học cho các vương tử. Khi vua Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh nước Chiêm Thành, ông giữ chức đốc lương (đốc xuất vận chuyển quân lương). Vì ngược gió đoàn thuyền lương đến chậm ông bị xử trảm theo quân luật. Sau vua biết ông bị oan, phong phúc thần, hiện Nguyễn Đòng Hải Đại Vương.
        Đình Cát Động thờ nhị vị thành hoàng làng là Trình Lý đại vương và Đông Hải đại Vương Nguyễn Phục nên thuộc loại hình di tích kiến trúc tín ngưỡng dạng đình.
Đình Cát Động nằm ngay gần đê sông Đáy trông về hướng Tây (ngả về Nam chút ít). Từ trên đê nhìn xuống ta thấy đình ẩn hiện giữa màu xanhcuar các cây cổ thụ trông thật dịu mát, tĩnh mịch và linh thiêng.
       Từ đường đê vào qua một cổng đình làm theo kiểu trụ biểu và các bậc gạch xuôi xuống sân đình ta bắt gặp bức bình phong trước tiên. Đây là bức bình phong được xây bằng gạch trát vôi vữa rộng 3m30. Bình phong có đắp nổi hình “lưỡng long chầu nguyệt”, bên trên là một cuốn thư. Hai bên bình phong là hai trụ biểu có tiết diện vuông, trên đỉnh cột đắp hai con nghê chầu với tư cách kiểm soát tâm linh khách hành hương, thân trụ có ghi các đôi câu đối bằng chữ Hán. Phía trước bình phong là một bể cảnh có những hòn giả sơn và một đôi voi đá được tạo hình rất đẹp, mang mong cách nghệ thuật thời Nguyễn sớm.
      Đại bái là một ngôi nhà ngang gồm 7 gian được làm kiểu tường hồi bít đốc với hai mái chảy lớp ngói. Thông thường các ngôi đình thường được lớp ngói ri cổ, có mũi, riêng đình Cát Động có loại ngói loại bản mỏng, hình chữ nhật, có móc ở một đầu. Qua tìm hiểu được biết rằng ngày xưa làng Cát Động có lò ngói chuyên làm loại ngói như vậy nên cũng dùng ngói đó để lợp đình.
      Vào bên trong Đại bái đình Cát Động được chia làm 7 gian dài 21m22, rộng 9m50, trong đó gian giữa rộng nhất (3m25) còn các gian bên được chia bằng nhau. Phân cách các gian được tính bằng các hàng cột gỗ, tương ứng với các gian này là các bộ vì đỡ mái ở phía trên. Các bộ vì ở Đại bái được làm theo hai kiểu thức khác nhau. Hai bộ vì giữa được làm theo kiểu: thượng giá chiêng chồng rường, hạ cốn mê, xà nách, bẩy. Nối hai đầu cột cái là một câu đầu lớn, lưng và dạ phẳng. Hai trụ trốn đứng trên lưng câu đầu qua những đấu kê hình vuông thót đáy. Hai trụ trốn này đỡ các con rường thẳng được đặt chồng khít lên nhau, con rường trên cùng đội thượng lương qua một đấu hình thuyền. Ở hai bên trụ trốn cũng có hai con rường cụt khác, một rường nằm trên câu đầu, rường phía trên ăn mộng vào trụ trốn. Nối từ cột cái ra đầu cột quân là một xà nách, xà này đỡ cốn mê. Bẩy hiên (hậu) ăn mộng ở đầu cột quân, vươn ra đỡ tàu mái.
      Các bộ vì còn lại được làm thống nhất theo kiểu: thượng giá chiêng chồng rường, hạ kẻ chuyền, xà nách, bẩy. Ở các vì này kết cấu phần thượng tương đối giống hai bộ vì giữa, chỉ khác nhau ở hoa văn điêu khắc. Phần hạ không có các cốn mê mà đỡ từ dạ câu đầu, ăn mộng từ đầu cột cái xuống đầu cột quân là một kẻ chuyền thành hình một tam giác vuông. Từ đầu cột quân cũng có các bẩy hiên (hậu) ăn mộng phía dưới xà nách và vươn ra đỡ các tàu mái.
      Nhìn chung, toàn bộ nghệ thuật điêu khắc và trang trí ở đình Cát Động đều tập trung vào ngôi Đại bái mà tiêu biểu nhất ở hai bộ vì giữa. Ở hai bộ vì này các con đường phía trên trụ trốn được chạm nổi, giả bong kênh hình hổ phù. Đầu các con rường phía trên trụ trốn được chạm nổi, giả bong kênh hình hổ phù. Đầu các con đường cụt chạm vân xoắn, mây cụm cách điệu hình hoa. Bốn đầu tư phía dưới câu đầu được chạm hình một đầu rồng trên một súc gỗ nguyên. Rồng có mũi hếch, răng nhe, miệng lang, mắt lồi, các bờm tóc bay ngược về phía sau. Bốn bức cốn mê phía dưới là cả một kỳ cống của người nghệ nhân xưa, mặt trong của các bức cốn được giạm nổi giả bong kênh theo tích tứ linh. Ở đây, trung tâm là một con rồng lớn đang bay lượn trong mây (có bức là rồng đang phun nước), xung quanh là các con vật linh khác như rùa, long mã, nghê, phượng. Mặt ngoài của các bức cốn được chạm theo tích tứ quý, mỗi bức đều có đủ bốn loài cây quý (thông, mai, cúc, trúc) xen kẽ trong đó còn có các loài động vật như hổ, chim. Đặc biệt có bức còn chạm cảnh đền đại nguy nga, tráng lệ trong cảnh sơn thủy hữu tình.
        Ở các bộ vì còn lại, đầu các con rường đều được chạm hoa văn văn xoắn mây cụm cách điệu hình hoa. Các kẻ chuyền, xà nách được bào soi vỏ măng, đầu các kẻ, xà được chạm hoa văn lá cúc hoặc chạm tứ quý nhưng chạm riêng mỗi kẻ một loại hoa. Hàng bẩy hiên phía trước cũng được chạm nổi giả bong kênh theo các đề tài quen thuộc như lá lật, chữ triện, độc long hay tứ quý hóa rồng…
Đề tài điêu khắc ở Đại bái đình Cát Động rất phong phú. Nghệ thuật điêu khắc theo lối chạm nổi giả kênh là loại hình mang đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn. Với những nét chạm trau chuốt, mạch lạc và khỏe khoắn, nhiều nghệ nhân xưa đã đưa đình Cát Động trở thành một trong số không nhiều các ngôi đình thời Nguyễn có kiến trúc đẹp ở Thanh Oai nói riêng và Hà Tây nói chung.
Hậu cung đình Cát Động là một dãy nhà ngang dài 7m52, rộng 4m80 nằm song song cách Đại bái 1m57. Khoảng trống này được làm thành ba cửa đi bên trên cuốn trần bằng vôi vữa. Bên ngoài hậu cung được làm kiểu tường xây, hồi bít đốc, hai mái chảy. Vào bên trong hậu cung được chia làm ba gian, tương ứng với các gian là 4 bộ vì nóc được làm thống nhất theo kiểu: chồng rường con nhị, kẻ chuyền, quá giang trốn cột cái. Nối hai đầu cột trốn là một câu đầu, trên lưng câu đầu đỡ một con rường đã bị cắt đi đoạn giữa biên thể thành con nhị, các con nhị này dỡ hai con rường thẳng, rường trên cùng đỡ thượng lương. Ăn mộng từ đầu cột cái, dỡ dạ câu đầu ra đầu quá giang là một kẻ chuyền. Quá giang đỡ 2 cột trốn và kẻ chuyền, một đầu gối lên tường hậu, một đầu nối mộng với cột quân phía trước. Ở hàng cột quân này có ba bộ cửa ngăn giữa hiên cung và cung cấm. Ăn mộng từ cột quân ra cột hiên ở hai vì giữa là kẻ hiên, ăn mộng từ cột quân ra cột hiên ở hai vì hồi là xà nách, trên xà nách có các bức cốn mê.
       Nhìn chung ở Hậu cung do vị trí tôn nghiêm – nơi đặt long ngai, bài vị thờ thành hoàng, ít người được ra vào vì vậy yếu tố trang trí ít được chú ý so với Đại bái. Các vì nóc đều được bào trơn, soi gờ chỉ và thiên về xu hướng vuông bằng gỗ tứ thiết. Riêng các kẻ hiên, xà nách và cốn mê ngoài hiên cung lại được chạm trổ công phu, tỉ mỉ theo các đề tài truyền thống: lá cúc, chữ triện, rồng, tứ linh… và vẫn mang phong cách thời Nguyên.
       Đình Cát Động được xây dựng từ lâu đời, theo một số nhà nghiên cứu trước đây trên nóc đình có ghi nên đại vào thời Lê Cảnh Hưng, đáng tiếc sau đó trong một lần sửa đình gần đây đã bị mất. Hiện tại đình có kết cấu và kiến trúc điển hình của một ngôi đình thời Nguyễn. Đình còn bảo lưu được nhiều mảng điêu khắc đẹp và nhiều di vật quý với nhiều chất liệu khác nhau như: giấy, vải, đá, gỗ, đồng…
      Làng Cát Động trong một năm có ba kỳ lễ lớn Đại kỳ phước, lễ Đại kỳ an và lễ đại kỳ thọ. Trong đó lễ Đại kỳ phước và lễ Đại kỳ an được tổ chức vào ngày hội làng từ 11 đến 15 tháng 3 âm lịch, còn lễ Đại kỳ thọ được tổ chức vào 14 tháng 11 âm lịch.
Xưa kia làng Cát Động có 4 xóm chia thành 6 giáp, cứ đến kỳ đại lễ mỗi giáp cử ra 2 ông chạ tuổi từ 48-49, có uy tín trong dân làng, các ông chạ lại cử ra ông đình cả là người có tuổi, chức vụ cao để cùng lo liệu công việc của làng. Bắt đầu từ chiều 10 tháng 3 làng tổ chức đóng kiệu, mũ, áo rước sắc từ văn chỉ về đình lễ này gọi là lễ phong triều y.
       Ngày 11 tháng 3 làng tổ chức tết yết. Ngày 12,13 tháng 3 là ngày đại lễ, có tổ chức tế cầu phúc. Ngày 15 tháng 3 tế cầu an, đến tối hôm đó làm lễ giải triều y và rước sắc về văn chỉ.
       Trong các ngày từ 11 đến 15 tháng 3 đều có tế văn ở đình. Tiên chỉ làng là người được viết văn tế, mỗi ngày một bài khác nhau. Trước khi tế làng cử người mang kiệu đế nhà cụ Tiên chỉ để rước văn, đi cùng với kiệu là đội bái âm.
       Lễ vật dùng trong những ngày này là xôi, oản, thủ lợn, gà và các loại hoa quả, ngày 12/3 có thêm một con bò thui do các giáp đưa lên. Riêng bánh dầy do gia đình ông chủ tế đảm nhiệm. Vào những năm được mùa, ngoài lễ vật trên làng còn tổ chức đốt cây bông vào đêm 11/3 và đốt pháo tế vào ban ngày.
        Bên cạnh việc thờ nhị vị thành hoàng làng là Trình Lý đại vương và Đông Hải đại vương Nguyễn Phục thì cụ Chu Nguyên Lâm – một danh sĩ của làng Cát Động cũng được thờ phối hưởng. Cụ Chu Nguyên Lâm có nhà thờ riêng nên vào các ngày đại lễ của làng thì từ chiều ngày 10/3 khi tổ chức rước sắc từ văn chỉ lên đình đồng thời làng cũng rước kiệu lên nhà thờ rước ngai thờ cụ ra đình cùng dự hội, văn tế đọc cụ là Hậu thần.
Trong những ngày hội làng, còn có nhiều trò chơi được tổ chức, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên nam nữ tham gia, mọi người được vui chơi thỏa thích với các trò, bắt vịt, đánh đu, leo cầu đốt pháo… về đêm còn có múa rối, hái chèo, hái ả đào…
          Trọng tuổi vốn là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của cả dân tộc Việt Nam nói chung nên trong năm làng Cát Động còn có ngày lễ cầu thọ vào 14/11 để cầu thọ cho dân làng và mừng thọ cho các bô lão. Theo phong tục, trong ngày này dân làng tổ chức mời các cụ cao tuổi ra đình dự lễ, các cụ thọ 80 tuổi được tặng áo thụng màu xanh, các cụ thọ 90 tuổi được tặng áo thụng màu đỏ. Từ chiều 14/11 dân làng trân trọng gọi các cụ là cụ Tám (thọ 80), cụ Chín (thọ 90) chứ không gọi bằng tên nữa. Khi tan buổi lễ, làng tổ chức phường bát âm để rước các cụ về lễ tổ, những cụ nào yếu có ngựa để đưa về.
         Lễ hội làng có ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt, là một sinh hoạt văn hóa tâm linh cần thiết. Nó nhắc nhở dân làng nhớ về cội nguồn, tổ tiên, biết ơn tiền nhân. Nó cũng là hình thức liên kết cộng đồng, vui chơi giải trí sau những ngày làm ăn vất vả khó nhọc. Đây chính là một trong các loại hình văn hóa phi vật thể mà chúng ta cần phải trân trọng, giữ gìn và phát triển…
         Đình Cát Động thờ nhị vị thành hoàng làng và Trình Lý đại vương và Đông Hải đại vương Nguyễn Phục – là những nhân vật có thật sống ở thời Lê Sơ. Hai vị đều có công lao trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập cho tổ quốc. Tương truyền ngài Trình Lý đại vương có công lập làng Cát Động, ngài Đông Hải đại vương đi sứ Bắc đã học được nghề ươm trứng tằm và xin được hạt giống kê vàng về truyền dạy cho dân và phát triển khắp mọi miền đất nước.
          Về kiến trúc, đình Cát Động có quy hoạch kết cấu điển hình của một ngôi đình thời Nguyễn. Nhìn bên ngoài đình tọa lạc ở một khu đất rộng, trông ra hồ sen và đê sông Đáy, xung quanh đình là các cây cổ thụ và cánh đồng lúa bát ngát. Nghệ thuật điêu khắc trang trí trên kiến trúc đình Cát Động được thể hiện rõ nét qua các mảng chạm khắc trên toàn bộ khung đình. Các đề tài trang trí ở đây rất phong phú, đa dạng. Từ các con vật linh như: long, ly, quy, phượng, long mã, nghê, lân… tới hoa lá cách điệu, văn xoắn, mây cụm… đã mang lại sự sinh động cho kiến trúc đình làng Cát Động.
Trong kháng chiến chống Pháp cùng với sự đóng góp lớn lao của cán bộ và nhân dân thôn Cát Động thì đình Cát Động cũng là nơi cất giấu tài liệu, là nơi trú ẩn của du kích Liên Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ đình được dùng làm kho chưa lương thực để cung cấp thóc gạo cho huyện Thanh Oai. Nhớ về cội nguồn của làng, những người anh hùng mà cha ông ta ở đất Cát Động đã tôn thờ làm thành hoàng làng, dân thôn Cát Động đã không chịu lùi bước trước khó khăn, luôn đoàn kết để đạt được những thành tích trong kháng chiến cũng như trong lao động sản xuất và giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp.
         Trải qua thời gian mưa nắng nhiệt đới cùng sự tàn phá của chiến tranh một số di vật và hai dãy tả hữu mạc của đình đã bị hư hỏng và mất đi. Hòa bình lập lại cho đến nay, di tích đã được nhân dân trong thôn bảo vệ, sửa sang là nơi thờ tự thành hoàng làng. Nơi nhân dân tới vui chơi trong những ngày hội và cngx là nơi hội họp của các đoàn thể trong thôn. Đến nay ngôi đình đã khang trang sạch sẽ, có ban khánh tiết và cụ thủ từ trông nom thường xuyên.
Đình Cát Động là một công trình kiến trúc nghệ thuật quý của làng Cát Động luôn được nhân dân địa phương và các cấp chính quyền quan tâm bảo vệ giữ gìn, thường xuyên được tu sửa nhỏ. Một ban khánh tiết hoạt động tích cực với sự tham gia của chính quyền, các ban ngành đoàn thể và đại diện hai giới phụ lão của làng. Mặt khác đình đã và đang được sử dụng là trung tâm văn hóa của địa phương, là nơi hội họp của hai giới bộ lão, là nơi sinh hoạt truyền thống và giáo dục lòng yêu quê hương đất nước cho các thế hệ đang lớn lên.
          Dưới thời phong kiến đình đã được các triều vua ban sắc phong thần và cho phép dân làng thờ tự lâu dài. Hệ thống sắc phong và những quy định chặt chẽ của lệ làng là cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và giữ gìn di tích những năm trước cách mạng.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 việc phong sắc và lệ làng xưa kia đã bị xóa bỏ. Hiện tại đình chưa có một Ban bảo vệ có tính chất pháp lý của nhà nước vì vậy để phát huy hết tác dụng của di tích, chúng ta phải đặt di tích dưới sự bảo vệ của nhà nước.
         Thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương và được sự nhất trí của các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể, Bảo tàng tổng hợp Hà Tây đã thành lập một tổ cán bộ khoa học về giúp địa phương lập hồ sơ di tích, nay đã hoàn thành. Kính mong Sở văn hóa thông tin, UBND tỉnh Hà Tây xét duyệt, ra Quyết định bảo vệ di tích lịch sử văn hóa cho đình Cát Động.
         Trong bài viết có sử dụng các tài liệu tham khảo:
1. Đại Việt sử ký toàn thư
2. Việt Nam khoa bảng lục hội yếu
3. Đăng khoa lục
4. Vũ trung tùy bút

Tác giả: Tiểu học Thị trấn Kim Bài, Cô Nguyễn Thị Trình – Giáo viên trường Tiểu học TT Kim Bài

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Vun đắp ước mơ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay554
  • Tháng hiện tại19,964
  • Tổng lượt truy cập747,064
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây