Cô chính là tấm gương cho chúng tôi – những giáo viên trẻ học tập và suy ngẫm: mình đã và đang làm được những gì khi mà cuộc đời cho mình nhiều may mắn? Hãy cho tôi được thay cái biệt danh giáo sư Cù Trọng Xoay của cô thành một cái tên khác ý nghĩa hơn đó là: Người truyền lửa.
Khó khăn rồi sẽ qua đi. Giống như cơn mưa ngoài cửa sổ, dẫu có tầm tã thế nào rồi cuối cùng cũng trời quang, mây tạnh…Tôi muốn dẫn câu nói ấy để thay cho lời giới thiệu về một cô giáo. Đó là cô Nguyễn Thị Thanh - giáo viên trường Tiểu học thị trấn Kim Bài. Cô là một đồng nghiệp, một người cô mà bấy lâu nay tôi luôn kính trọng và ngưỡng mộ. Năm nay cô đã ngoài 50 tuổi, nhìn nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt tươi trẻ của cô, khó có ai biết được cô đã phải trải qua một quãng đời thanh xuân thật là nghiệt ngã… Ngày ấy cách đây đã 27 năm, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô Thanh được về nhận công tác tại trường PTTH Trần Đăng Ninh huyện Ứng Hòa mang theo bao ước mơ và hoài bão. Nhưng rồi điều chẳng lành đã đến, cô đã mắc phải một căn bệnh khá mới: u tế bào khổng lồ. Chân trái cô đã bị cắt đi 14 cm xương và mất hẳn khớp gối. Cuộc chiến với căn bệnh quái ác kéo dài 3 năm. Trong 3 năm đó thì có đến 2 năm, mọi sinh hoạt của cô hoàn toàn ở trên chiếc giường. Cô kể với tôi rằng: đã có lúc cô muốn chết, bởi cô nghĩ chỉ có cái chết mới thoát khỏi đau đớn và chỉ có cái chết mới làm cho những người thân đỡ khổ vì cô. Nhưng mỗi khi nhìn vẻ mặt ngây thơ của đứa con gái bé bỏng của mình thì những suy nghĩ ấy trong cô chợt vụt tắt. Cô tập đứng, tập đi trong đau đớn và vô vàn nước mắt. Những lúc nản lòng, cô nhìn con mà lấy lại nghị lực. Thời gian thấm thoát trôi đi, chân của cô trở nên vững vàng hơn. Tuy nhiên để đi được nó phải đặt trong một cái máng gỗ như một nửa bổ dọc của cái chân giả vậy. Nhưng không sao, vậy là hạnh phúc quá rồi - cô tự nhủ với lòng mình như thế. Và từ đó, hình ảnh cái bục giảng ngày nào với tiếng gõ lách tách đều đều của những viên phấn trắng trên tấm bảng đen bóng nhoáng cứ len lỏi theo cô vào trong từng giấc ngủ. Thế rồi, lá đơn của cô được chấp nhận. Cô Thanh được về dạy học tại trường PTCS Nguyễn Trực. Cô hân hoan trong niềm vui sướng bởi từ đây đã tìm lại được chính mình. Thế là lại những đêm miệt mài bên trang giáo án, bên những cuốn sách còn dang dở... Nhưng chỉ được vài tháng, một buổi sáng nọ, cô đã bị ngã sõng soài trên bục giảng. Thế là câu chuyện về cái bục giảng tạm thời khép lại. Cô Thanh tiếp tục những tháng ngày luyện tập và hy vọng…Mấy tháng sau, một lá đơn lại được gửi đi khi cái chân tội nghiệp của cô có vẻ chắc chắn hơn. Cô được chuyển về công tác tại trường Tiểu học Kim Bài. Những ngày đầu đi dạy thật khó khăn nhưng cô đã cố gắng để thích nghi với một môi trường mới. Cô chăm chỉ đi dự giờ các đồng nghiệp, học hỏi kinh nghiệm những giáo viên dạy giỏi, nghiên cứu sách, tìm tòi những phương pháp dạy học phù hợp với học sinh Tiểu học… Năm ấy, cô được nhà trường cử đi thi giáo viên giỏi cấp huyện. Cảm thấy lo lắng nhưng cô vẫn quyết tâm và cố gắng. Niềm vui ngoài sự tưởng tượng, cô Thanh đã đạt giải Nhất huyện. Đối với một giáo viên như cô, đó là niềm hạnh phúc đến vô cùng vì nó đã được đánh đổi bằng biết bao nhiêu năm tháng nỗ lực vươn lên, có những lúc tưởng chừng như vô định. Cô như được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin. Những tháng ngày tiếp theo thật ý nghĩa. Các bạn đồng nghiệp tin tưởng học hỏi kinh nghiệm, cô Thanh sẵn sàng chia sẻ. Cô dìu dắt những giáo viên trẻ mới vào nghề. Trao đổi với họ về nội dung bài giảng, phương pháp dạy học, tác phong sư phạm khi lên lớp… Cô tham gia dạy học miễn phí cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong thôn Kim Bài. Những tối tháng sáu nóng nực, những lúc mất điện, đôi chân tập tễnh đi trên con đường làng gập ghềnh nhưng cô thấy vui vì những ánh mắt các em cứ sáng lên theo từng lời giảng. Cô được nhà trường giao dạy Đội tuyển học sinh giỏi môn Tiếng Việt. Bằng nhiệt tình và lòng say mê của mình, cô đã truyền cho các em ngọn lửa của lòng yêu thích văn chương. Những giờ ra chơi, lúc cuối buổi học hay khi trống giờ, cô tranh thủ trao đổi, giảng giải thêm cho các em học sinh Rất nhiều năm Đội tuyển của cô giành giải Nhất trong các kì thi học sinh giỏi cấp huyện Vấn đề đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh đang là vấn đề được nhiều giáo viên quan tâm nhưng vẫn còn nhiều lúng túng. Cô Thanh đã tự xây dựng và xung phong dạy những tiết chuyên đề để giáo viên học tập và rút kinh nghiệm như: Chuyên đề dạy Luyện từ và câu, Tập đọc, Tập làm văn, Kể chuyện…Những chuyên đề đó được các giáo viên trong trường cùng các trường bạn đánh giá cao và học tập. Không những thế cô còn hướng dẫn những giáo viên khác thực hiện những chuyên đề có chất lượng được Phòng Giáo dục đánh giá cao như chuyên đề dạy Tự nhiên – Xã hội của cô giáo Lê Hải Anh, chuyên đề dạy Hướng dẫn học của cô giáo Đỗ Thị Phượng…( Ngày ấy phương pháp và tiến trình dạy một tiết Hướng dẫn học còn rất mới đối với nhiều giáo viên) Cô Thanh được nhiều giáo viên trong huyện biết tới. Có những giáo viên ở trường khác và những giáo viên thực tập… xin dự giờ cô để học tập kinh nghiệm .Trong cuộc thi: “ Giáo viên tự làm đồ dùng dạy học” do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức, cô Thanh đã đoạt giải Nhì với bộ đồ dùng dạy môn Tiếng Việt lớp 5. Bộ đồ dùng này đã được đưa vào các tiết học mang lại hiệu quả rõ rệt và tạo nhiều hứng thú cho các em học sinh. Nhiều năm liền trường Tiểu học Kim Bài có giáo viên đạt giải cao trong các kì thi Giáo viên dạy giỏi các cấp. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung (năm học 2012 – 2013), cô giáo Nguyễn Thị Thanh (năm học 2013 – 2014), cô giáo Lê Hải Anh (năm học 2015 – 2016) cả ba cô đều đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp thành phố. Trong cuộc thi Giáo viên giỏi cấp huyện ( năm học 2008 - 2009) tôi đạt giải Nhì môn Hát nhạc, cô giáo Tạ Mai Hương (năm học 2015 – 2016 và năm học 2016 -2017) hai lần đều đạt giải Nhì với tiết dạy Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh Hà Nội và tiết Hoạt động tập thể…Để có được những thành tích đó phải kể đến một phần không nhỏ công lao đóng góp của cô Thanh. Từ việc nghiên cứu bài trong sách giáo khoa, lên ý tưởng cho tiết dạy, áp dụng các phương pháp mới, vận dụng kiến thức, tác phong sư phạm … cô sẵn sàng sẻ chia bằng tất cả lòng nhiệt tình của mình với mong muốn đồng nghiệp đạt kết quả cao nhất. Mỗi khi có giáo viên đi thi, không kể sớm hay khuya cô thường bảo giáo viên đó đến nhà, góp ý kiến, trao đổi, hướng dẫn tận tình. Không chỉ trong chuyên môn mà trong mọi công tác đoàn thể của nhà trường như: chi bộ, công đoàn, đoàn đội… cô đều hỗ trợ nhiệt tình và đầy tinh thần trách nhiệm. Trong cuộc thi Bí thư chi bộ giỏi do thị trấn tổ chức, cô đã xây dựng ý tưởng, dàn dựng các hoạt cảnh phụ họa góp phần giúp thầy Tô Văn Thức đạt giải Nhì. Nhớ lần tôi tham gia dự thi Giáo viên tài năng duyên dáng do Công đoàn huyện tổ chức. Cô Thanh đã giúp đỡ tôi tận tình và chu đáo. Nhiều buổi tối hai cô cháu vẫn ở lại trường. Cô góp ý cho tôi về cách diễn xuất trong phần thi tài năng, cách trả lời câu hỏi sao cho sâu sắc và duyên dáng…lần ấy tôi đã đoạt giải Nhì. Còn rất nhiều cuộc thi Giới thiệu sách hè do Phòng Giáo dục kết hợp với Hội đồng đội tổ chức trường đạt giải cao…Trong những cuộc thi đó, cô đã tham gia chia sẻ cùng đồng chí Tổng phụ trách đội những ý tưởng về nội dung, kịch bản, cách thể hiện các tiết mục sinh động hiệu quả...Giữa cái nóng đến gần 400C, cô say sưa tập cho các em từng hoạt cảnh, từng vai diễn… Năm học 2014 – 2015 cô vinh dự được đi dự Hội nghị tuyên dương giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc do UBND thị trấn Kim Bài tổ chức. Mọi người trong trường thường gọi đùa cô với cái tên trìu mến - giáo sư Cù Trọng Xoay bởi trong mọi công việc, việc nào cô cũng “xoay” được và “xoay” rất tốt.
Những nụ cười tươi rạng rỡ của cô bên gia đình và đồng nghiệp
Tôi đã được đọc rất nhiều bài văn của học sinh viết về cô, trong đó có một đoạn mà bao nhiêu năm qua tôi vẫn còn nhớ mãi:“ Hàng ngày, cô giáo em đứng trên bục giảng bằng đôi chân thật yếu ớt nhưng sao sức hút trong mỗi bài giảng của cô lại mạnh mẽ đến vậy? Nếu như có một điều ước như trong truyện cổ tích mà bà vẫn thường kể, em ước sẽ được học cô mãi mãi.” Còn đối với tôi và bao giáo viên khác, hàng ngày được gặp cô, được chứng kiến những việc cô làm, tôi cảm nhận được trong con người cô một nguồn năng lượng thật dồi dào. Nguồn năng lượng của một cô giáo sau bão tố của cuộc đời vẫn tìm về với giấc mơ của tuổi trẻ và nhiệt tình say mê cống hiến. Cô chính là tấm gương cho chúng tôi – những giáo viên trẻ học tập và suy ngẫm: mình đã và đang làm được những gì khi mà cuộc đời cho mình nhiều may mắn? Hãy cho tôi được thay cái biệt danh giáo sư Cù Trọng Xoay của cô thành một cái tên khác ý nghĩa hơn đó là: Người truyền lửa. Bởi bao năm qua, ngọn lửa đó luôn cháy sáng, lan tỏa và truyền đi sức nóng với lòng nhiệt tình say mê của một cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Tôi xin kính chúc cô thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và mãi mãi vẫn chính là ngọn lửa ấy. Một làn gió thoảng qua, tôi nghe đâu đây vọng lại những lời ca tha thiết và tự hào: Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương Có những bài ca nghe rạo rực lòng người Bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em - Người Giáo viên Nhân dân