NÓN LÀNG CHUÔNG: MỘC MẠC VÀ BÌNH DỊ

Thứ bảy - 30/07/2022 16:43
Không thanh mảnh như chiếc nón trắng bài thơ xứ Huế, nón làng Chuông “3 tầng” dày dặn, cứng cáp mà vẫn thanh lịch, duyên dáng, đậm chất nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Nón Chuông đội mưa, đội nắng, thủy chung với người nông dân “một nắng hai sương” nơi ruộng đồng…
Nón làng chuông
Nón làng chuông

         Người làng Chuông gắn với nghề làm nón chẳng khác gì người Vạn Phúc gắn với nghề dệt lụa, người Cự Đà gắn với nghề làm tương... Có điều, nghề đan nón vất vả mà thu nhập chẳng được là bao.
         Song, ở làng Chuông, từ già đến trẻ, đàn ông lẫn đàn bà, không ai chê, bỏ nghề. Đó là một điều đáng trân trọng. Và đó cũng là Nét đẹp nón làng Chuông
          Nón lá gần gũi với đời sống,  tạo nhiều nét bình dị, đoan trang, yêu kiều, duyên dáng và thực tiễn với đời sống nông nghiệp, trên đồng lúa, bên bờ tre, lúc nghỉ ngơi dùng nón quạt cho mát mẻ ráo mồ hôi.
          Dáng dấp con gái Việt Nam mềm mại, dịu dàng, nếu trên đầu nghiêng nghiêng vành nón trắng.
Nụ cười, ánh mắt giấu sau vành nón ấy mới cơ hồ e ấp, rạo rực vì những bâng khuâng…
Vật liệu làm nón ở chợ Chuông
       Xưa các cụ có câu
“Muốn ăn cơm trắng, cá trê
Muốn đội nón lá thì về làng Chuông”!
       Bên bờ sông Đáy hiền hòa, thuộc huyện Thanh Oai (Hà Nội), có một ngôi làng chuyên nghề làm nón - làng Chuông. Nón làng Chuông nổi tiếng từ cách đây vài thế kỷ.
Xưa kia, chính nón Chuông là vật tiến cống cho hoàng hậu và công chúa, đồng thời cũng là thứ trang sức cho các bà, các chị, nhất là những thiếu nữ. Đến nay, những nét đẹp đó vẫn còn được gìn giữ như một biểu tượng văn hóa đặc sắc của người Việt Nam nói chung và người dân làng Chuông nói riêng.
Vật liệu làm nón tuy đơn sơ, nhưng loại lá làm nón thì không dễ tìm, lá mọc ở những vùng núi, trên rừng. Mãi về sau, loại cây này được đem giống về trồng ở vườn. Trong số đó, phổ biến là 2 thứ cây: Du quy diệp - lá làm tơi, thời gian văn minh chưa phát triển, người ta dùng làm cái tơi (trong thơ ca gọi là áo tơi) chống mưa gió mùa đông; một loại khác là bồ quy diệp - mỏng và mền hơn, để làm nón lá.
        Nón lá làng Chuông nổi tiếng dày, bền chắc và mũi đều, nhưng cũng rất mềm mại. Nhìn những chiếc nón xinh xinh, giản dị, ít ai biết được rằng, để làm ra nó, người thợ đã phải bỏ ra khá nhiều công sức và thời gian, bao gồm15 khâu: lên rừng hái lá; sấy lá, mở, ủi (là); chọn lá; xây độn vành; chằm; cắt lá; nức vành; cắt chỉ...
         Một thợ lão luyện trong làng đã giảng giải về cái sự công phu của nghề nón như sau.
Lá làm nón
       “Đầu tiên là chọn lá. Lá lụi (thường gọi là lá nón) lấy trong Quảng Bình, được đem về vò trong cát rồi phơi nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc; phải phơi lá vào sương đêm cho bớt độ giòn vì khô. Mỗi nhành gồm nhiều lá được tõe ra, cắt bỏ phần cuối cùng; đặt chiếc lưỡi cày cũ trên bếp than hoặc bếp dầu chừng 10 phút cho nóng. Dùng một cục vải đã được làm sẵn, phía dưới nhẵn và cứng, là lá nón lên trên lưỡi cày, miết thật nhanh, miết đi miết lại sao cho lá phẳng như một tờ giấy dài màu trắng mà không giòn, không rách.
Thao tác là phẳng lá bằng nhiệt
        Khuôn hình giống như Kim Tự Tháp Ai Cập, có 6 cây sườn chính, khoảng cách đều nhau để gài lên khung, lần lượt từ trên xuống 16 chiếc vành nón (bằng tre, nứa, giang, vầu…) được vót tròn, lớn nhỏ khác nha, không chắp, không gợn; vành cuối cùng gọi là vành cái, lớn gấp nhiều lần các vành trên để tạo độ cứng.
        Đó mới là bước lên khuôn. Bước tiếp theo là chằm. Người thợ xếp từng lá đã được là vào vòng nón, lá nọ gối lên lá kia bằng một khoảng cách nhất định, phía trên chóp phải dùng cước khâu túm lại; tương tự, một lớp mo tre tạo độ bền nhưng vẫn mềm mại, có tác dụng chống mưa, nắng xếp ở giữa. Lựa những lá đẹp để làm phần ngoài của nón. Dùng sợi dây gai buộc vào một cái vành cứng, chằng phía ngoài giống như hình ngôi sao, sau khi đã lợp xong 3 lớp lá cho khỏi tuột. Lúc này, người thợ có thể dùng cước để khâu”… Khâu là một công đoạn rất khó, bởi không khéo thì lá sẽ bị rách, không những không xuôi, phẳng, mà còn dúm dó. Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh thoăn thoắt, mềm mại từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trên xuống vòng dưới. Khi đã khâu hết 16 vòng, thì tháo khỏi khuôn (ở khâu này cũng cần phải có nghệ thuật, nếu không vành nón có thể gẫy, lá bị rách). Lúc này, người thợ dùng kéo cắt tròn đều quanh nón phần lá thừa, chừa ra chừng 1 - 2 mm rồi dùng cước nức (cạp như cạp rá, rổ) bằng một loại nguyên liệu có màu lâu ở vành. Chiếc nón đã hoàn chỉnh, được hơ bằng hơi diêm làm cho màu nón trở nên trắng muốt, không mốc; lại được phết một lớp dầu bóng giúp nón trong suốt, nước mưa không thấm qua các lỗ kim vào bên trong...
Chằm nón
        Những năm trước, người làng Chuông sản xuất nhiều loại nón khác nhau như nón 3 tầm, nón nhỏ, nón dấu... Bây giờ, do nhu cầu của thị trường, người trong làng chỉ sản xuất duy nhất loại nón chóp. Nghề làm nón không cho thu nhập cao, nhưng nó cũng tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người lao động lúc nông nhàn. Mỗi người một việc như có sự phân công lao động từ trước. Người chuyên đảm nhiệm việc thu mua nguyên liệu. Người chuyên sản xuất. Người mang sản phẩm đi tiêu thụ ở các nơi... Nghề làm nón không chỉ dành riêng cho phụ nữ, mà cả những người đàn ông, trẻ nhỏ trong gia đình cũng có thể giúp chuốt vành, tõe - là lá, lên khuôn, khâu, nức…. Là một vùng thuần nông, đất chật người đông. Nghề nón muôn đời chỉ được coi là nghề phụ. Nhưng người dân nơi đây đều hiểu rằng, nhờ những chiếc nón giản dị ấy mà xóm làng được thay da, đổi thịt.
        Các cụ xưa bảo, chẳng ai làm giàu được từ nghề nón, nhưng nhiều gia đình lại sống được nhờ nghề làm nón. Trong số đó, có nghệ nhân - cụ Phạm Trần Canh, thương binh 2/4 – người “giữ lửa làng nghề”, nghệ nhân Lưu Thị Thóc… Ngôi làng nhỏ bé luôn tấp nập khách ra vào. Khách đến không chỉ để đặt hàng, mà còn muốn tham quan, tận mắt chứng kiến công việc làm nón. Mỗi ngày, người làng Chuông làm được khoảng 7.000 – 8.000 chiếc nón. Nghề làm nón thích hợp với phụ nữ và họ cũng là người tiêu thụ chủ yếu. Vì thế, các phiên chợ làng thu hút rất đông các bà, các chị. Chợ làng Chuông họp một tháng 6 phiên chính (ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30). Những phiên chợ này, chỉ bày bán một thứ hàng duy nhất là nón. Nón được xếp thành từng chồng dài, trắng lóa. Vào phiên chính, cả một triền đê sông Ðáy, náo nhiệt hẳn lên bởi người, xe tấp nập, kẻ mua người bán.
Nghề làm nón cần phải tỉ mẩn, chịu khó…
       Nếu ai may mắn về làng Chuông đúng vào ngày chợ họp chính, sẽ bị ngợp trong một rừng nón trắng. Nón được xếp thành từng chồng dài như những trụ tháp cao quá đầu người. Giá dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/chiếc nón. Để làm ra (hoàn chỉnh) 1 chiếc nón, thì một người thợ nhanh nhất cũng phải mất 3 - 4 tiếng. Thực tế, thu nhập bình quân của một gia đình làm nón cũng chỉ được từ 40.000 - 50.000 đồng/ngày. Nghề làm nón không giàu, nhưng hết thảy mọi người dân nơi đây đều có một tình yêu, sự gắn bó mật thiết với nghề.
        Hiện nay, làng Chuông cung cấp cho thị trường khoảng 3 triệu chiếc nón mỗi năm. Không chỉ cung cấp nón cho khắp miền Bắc, mà nón làng Chuông những năm trở lại đây đã theo các đoàn khách du lịch, đông nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông... ra nước ngoài.
        Khách hàng trong Nam chỉ cần gọi điện đặt số lượng, thỏa thuận giá cả thống nhất, người làng Chuông sẽ tập kết nón gần bến xe Hà Đông, lập tức chuyển hàng đi. Một số du khách nước ngoài yêu quý chiếc nón Việt, đã về tận làng Chuông để tham quan và mua những món quà lưu niệm mang về quê hương. Đó có lẽ là món quà động viên quý giá nhất giúp người dân nơi đây vững tin hơn để giữ gìn và phát triển nghề. Sẽ khó có thể thấy hết được vẻ đẹp duyên dáng của những chiếc nón lá ẩn sau ngôi làng yên bình, dân dã ấy. Đời sống văn minh, phát triển, hội nhập, nhưng nón lá Việt Nam vẫn thuần túy nguyên hình của nó. Ở bất cứ nơi đâu, từ rừng sâu hẻo lánh, trên đồng ruộng mênh mông, dọc theo sông dài, biển cả, đều thấy chiếc nón lá ngàn đời không đổi thay. Ngày nay, ở hải ngoại, chỉ thấy nón lá xuất hiện trên sân khấu, trình diễn nghệ thuật múa nón và áo dài duyên dáng mềm mại, kín đáo của thiếu nữ Việt Nam, nổi bật bản sắc văn hóa dân tộc… Có thể nói, để làm ra được một chiếc nón, người thợ dẫu không quá nặng nhọc (mệt nhất là công đoạn là lá cho phẳng), cần phải tỉ mẩn, chịu khó…
Trong bài có sử dụng một số thông tin, hình ảnh tham khảo trên mạng Internet

Tác giả: Tiểu học Thị trấn Kim Bài, Cô Lê Thị Kim Thái - Hiệu trưởng - Bí thư chi bộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Vun đắp ước mơ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay1,977
  • Tháng hiện tại20,270
  • Tổng lượt truy cập716,192
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây